Báo cáo ngành thực phẩm Việt Nam 2022 do MISA AMIS CRM thực hiện vừa công bố cho thấy, doanh thu của các doanh nghiệp thực phẩm ở hầu hết các kênh phân phối đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021.
Nổi bật là kênh truyền thống, với hơn 85,7% số doanh nghiệp được thống kê ghi nhận tăng trưởng doanh thu, tăng 62,6% so với cùng kỳ năm trước. Các kênh khác cũng đều có sự phát triển ấn tượng như thương mại điện tử (tăng 29,5%), kênh tiêu dùng tại chỗ (tăng 30%).
Sự hồi phục diễn ra ở hầu hết các ngành kinh tế Việt Nam, trong đó bao gồm cả ngành thực phẩm. Theo thống kê của Vietnam Report trong tháng 8/2022, có đến gần 90% các doanh nghiệp thực phẩm đã đạt năng suất trên 80% so với thời kỳ trước đại dịch; trong đó 60% các công ty đã vượt mức năng suất trước đại dịch.
Động lực tăng trưởng của các doanh nghiệp thực phẩm 2022 dựa vào 2 yếu tố chính: Sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng nội địa sau đại dịch và việc mở cửa trở lại cho khách du lịch dỡ bỏ giãn cách. Từ đó kích thích nhu cầu mua sắm, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm - đồ uống.
Đà tăng trưởng của ngành thực phẩm dự báo tiếp tục kéo dài sang năm 2023. Theo các thống kê về khảo sát doanh nghiệp thực phẩm trong các tháng cuối năm 2022, đa số các công ty đều lạc quan về tiềm năng bùng nổ tăng trưởng của ngành thực phẩm Việt Nam năm 2023.
Cụ thể, 94,4% doanh nghiệp tin tưởng về tình hình kinh doanh khả quan, gấp hơn 4 lần so với mức 21,7% của cùng kỳ năm trước. Xu hướng tăng chi tiêu hộ gia đình trong giai đoạn 2022 - 2025 cũng sẽ là động lực thúc đẩy việc kinh doanh thực phẩm.
4 chiến lược ưu tiên thay đổi trong năm 2023
Báo cáo ngành thực phẩm của MISA AMIS CRM cũng chỉ ra, chiến lược ưu tiên nhất trong năm 2023 của các doanh nghiệp thực phẩm là tập trung vào tăng tính linh hoạt trước và sau khi bán hàng, với 77,8% công ty lựa chọn.
Trong top 10 chiến lược, các từ khóa như “tùy chỉnh”, “điều chỉnh”, “thiết kế lại”, “xây dựng lại” xuất hiện liên tục. “Điều này cho thấy các doanh nghiệp thực phẩm chủ trương đẩy mạnh đến việc cải tiến sản phẩm nhanh và điều chỉnh liên tục cho phù hợp với nhu cầu thực tế của khách hàng. Đây là tư duy cởi mở và tiến bộ trong việc đáp ứng các xu hướng trong thời kỳ bình thường mới”, báo cáo của MISA AMIS CRM nhìn nhận.
94,4% doanh nghiệp thực phẩm kỳ vọng kinh doanh khởi sắc năm 2023 ảnh 1
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thực phẩm cũng rất chú trọng đến việc phát triển công nghệ. Có tới 66,7% doanh nghiệp ưu tiên tăng cường cải tiến nền tảng để hỗ trợ quản lý và vận hành, 55,7% doanh nghiệp quan tâm đến an ninh mạng (tăng 22% so với cùng kỳ).
Cũng theo báo cáo, có đến hơn 61,6% doanh nghiệp thực phẩm muốn tập trung xây dựng thương hiệu để tiếp cận nhiều khách hàng hơn, tăng 39,4% so với năm trước. Trong đó 70,59% doanh nghiệp dự định tăng chi cho việc xây dựng thương hiệu trong 6 tháng tới.
Xu hướng dịch chuyển mua sắm trên các kênh hiện đại cũng đang có nhiều chuyển biến. Theo khảo sát của báo cáo, phần lớn người trẻ ở các thành phố thường xuyên mua sắm thực phẩm, đồ uống qua các kênh như siêu thị (98%), cửa hàng tiện lợi (41%), online (67%).
Thực phẩm tốt nhất (Theo mekongasean)